QUY ĐỊNH CHUNG VISA E7

19.09.2024

Để hiểu rõ hơn về Visa E7-3 người lao động cần hiểu kỹ thêm về các thông tin sau:

1/ Quy định chung với lao động Visa E7

– Điều kiện chung về chuyên môn và kinh nghiệm: Người lao động phải đáp ứng một trong những điều kiện sau đây:

+ Người có học vị thạc sỹ trở lên ngành lĩnh vực có tính liên quan tới ngành lĩnh vực sang làm việc, không yêu cầu kinh nghiệm hoặc;

+ Người tốt nghiệp đại học và có từ 01 năm kinh nghiệm trở lên ngành lĩnh vực có tính liên quan tới ngành lĩnh vực sang làm việc (thời gian kinh nghiệm chỉ được tính từ sau khi tốt nghiệp) hoặc;

+ Người có từ 5 năm kinh nghiệm trở lên tại ngành lĩnh vực liên quan đến ngành lĩnh vực sang làm việc.

– Quy định chung về hồ sơ đối với người lao động: Bản sao hộ chiếu, 01 ảnh màu 3×4, hợp đồng lao động (ký với doanh nghiệp tuyển dụng) và các giấy tờ chứng minh chuyên môn, bằng cấp, kinh nghiệm (bằng tốt nghiệp, chứng nhận học vị, chứng chỉ nghề, giấy tờ chứng minh kinh nghiệm). Đối với những giấy tờ được cấp ở nước ngoài phải có bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Hàn, những giấy tờ quan trọng như bằng cấp, chứng minh kinh nghiệm phải được phải được công chứng xác nhận lãnh sự hoặc chứng nhận Apostille.

2. Quy định đối với lĩnh vực đóng tàu

 (i) Nghề Hàn lĩnh vực đóng tàu: lao động có chứng chỉ nghề hàn từ trung cấp trở lên và 02 năm kinh nghiệm làm việc sau khi được cấp chứng chỉ nghề và vượt qua kỳ kiểm tra tay nghề. Các chứng chỉ nghề hàn được Hiệp hội đóng tàu Hàn Quốc chấp nhận như: chứng chỉ kỹ thuật hàn FCAW, GMAW, GTAW từ trung cấp trở lên do ABS, ASME, ISO, EN, KR, LR, DLVGL,v.v… cấp.

(ii) Thợ điện lĩnh vực đóng tàu: Người tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành liên quan tới điện (như phát triển sản phẩm điện, thiết kế chế tạo thiết bị phát điện, thiết bị truyền tải, phân phối điện, đo lường chế ngự điện,v.v…) và có từ 01 năm kinh nghiệm trở lên làm việc tại lĩnh vực liên quan hoặc người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề chuyên ngành liên quan tới điện và có từ 05 năm kinh nghiệm trở lên làm việc tại lĩnh vực liên quan. Trường hợp có tổ chức kiểm tra tay nghề và vượt qua kỳ kiểm tra này thì sẽ miễn yêu cầu về 01 năm kinh nghiệm đối với người tốt nghiệp đại học và giảm yêu cầu về kinh nghiệm từ 05 năm xuống còn 02 năm đối với người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề.

(iii) Thợ sơn tàu: Người tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành liên quan tới sơn tàu (như chuyên ngành hóa học, công nghệ hóa học, kỹ thuật vật liệu, công nghệ đóng tàu, kiến trúc, ô tô, công nghệ máy móc… ) và có từ 01 năm trở lên kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến sơn (như sơn tàu, sơn kiến trúc, xử lý bề mặt, quản lý chất hóa học…); hoặc người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề chuyên ngành liên quan sơn tàu và có từ 05 năm kinh nghiệm trở lên làm việc tại lĩnh vực liên quan tới sơn như trên. Trường hợp có tổ chức kiểm tra tay nghề và vượt qua kỳ kiểm tra này thì sẽ miễn yêu cầu về 01 năm kinh nghiệm đối với người tốt nghiệp đại học và giảm yêu cầu về kinh nghiệm từ 05 năm xuống còn 02 năm đối với người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề.

(iv) Thợ về thiết bị bảo ôn, làm lạnh trên tàu

Áp dụng điều kiện chung về chuyên môn và kinh nghiệm của visa E-7 nêu tại mục 1.1. Chuyên ngành liên quan bao gồm: máy móc, hóa học, vật liệu, điện tử điện lạnh v.v ; kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực liên quan như xây dựng, máy móc, đóng tàu v.v.

3. Quy trình tuyển chọn

Quy trình thực hiện việc tuyển chọn và đưa đi được Hiệp hội đóng tàu Hàn Quốc (KOSHIPA) cung cấp như sau:

(i) Ký kết hợp đồng cung ứng: Các doanh nghiệp trong lĩnh vực đóng tàu có nhu cầu tuyển dụng lao động visa E-7 nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp tiếp nhận) sẽ tự do lựa chọn và ký hợp đồng hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ giới thiệu nhân lực của Hàn Quốc (dưới đây gọi là doanh nghiệp trung gian) để tuyển dụng lao động visa E-7 nước ngoài. Doanh nghiệp trung gian (phải là doanh nghiệp có pháp nhân và có chứng chỉ giới thiệu nghề) sẽ ký kết hợp đồng cung ứng với doanh nghiệp được phép hoạt động dịch vụ cung ứng lao động của nước ngoài (dưới đây gọi là doanh nghiệp cung ứng) để tuyển chọn, làm các thủ tục đưa người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.

(ii) Kiểm tra tay nghề tại nước phái cử và cấp giấy chứng nhận thông qua kiểm tra tay nghề:

+ KOSHIPA cho biết chỉ bắt buộc áp dụng kiểm tra tay nghề tại nước phái cử đối với ngành thợ hàn đóng tàu. Đối với ngành thợ điện, thợ sơn đóng tàu và thợ chế tạo thiết bị sẽ không bắt buộc.

+ KOSHIPA là đơn vị được giao chủ trì trong việc tổ chức kiểm tra đánh giá tay nghề tại nước phái cử và cấp giấy chứng nhận thông qua kiểm tra tay nghề cho những lao động đạt kỳ kiểm tra này.

+ KOSHIPA sẽ tiếp nhận nhu cầu của các doanh nghiệp tiếp nhận thông qua các doanh nghiệp trung gian, khi số lượng lao động cần tuyển dụng đạt đến tối thiểu 30 người ở cùng nước phái cử, KOSHIPA sẽ thành lập đoàn kiểm tra tay nghề (bao gồm đại diện của KOSHIPA, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, các doanh nghiệp tiếp nhận, doanh nghiệp trung gian Hàn Quốc) để sang nước phái cử tổ chức kỳ kiểm tra tay nghề và cấp giấy xác nhận thông qua kiểm tra tay nghề cho những người dự thi đã đạt kỳ kiểm tra. Việc chuẩn bị danh sách ứng viên, địa điểm và trang thiết bị dùng cho việc kiểm tra do doanh nghiệp XKLĐ và doanh nghiệp trung gian chuẩn bị trước.

– Cấp Giấy giới thiệu tuyển dụng tạm thời: KOSHIPA nhận hồ sơ xin cấp Giấy giới thiệu tuyển dụng tạm thời cho doanh nghiệp xin tuyển dụng người lao động đã có giấy chứng nhận thông qua kỳ kiểm tra tay nghề để xét và cấp Giấy giới thiệu tuyển dụng tạm thời.

– Cấp Giấy giới thiệu tuyển dụng chính thức: Sau khi cấp Giấy giới thiệu tuyển dụng tạm thời, KOSHIPA sẽ chuyển giấy này lên Bộ Công thương để xét cấp Giấy giới thiệu tuyển dụng chính thức cho doanh nghiệp xin tuyển dụng người lao động.

– Cấp thị thực và nhập cảnh: Sau khi nhận được Giấy giới thiệu tuyển dụng chính thức, Doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ xin cấp thị thực cho người lao động lên Bộ Tư pháp (văn phòng quản lý xuất cảnh địa phương nơi doanh nghiệp tiếp nhận đăng ký kinh doanh) để xin cấp thị thực cho người lao động nước ngoài nhập cảnh làm việc.

4. Quyền lợi của Visa E7

Nhắc lại visa E7 Hàn Quốc là visa kỹ sư chuyên ngành. Đây là loại Visa được áp dụng cho người lao động có tay nghề cao, chuyên môn cao và làm việc theo hợp đồng tại Hàn Quốc. Theo đó, những người sở hữu visa E7 Hàn Quốc sẽ được hưởng những quyền lợi của Visa E7 sau đây:

  • Đảm bảo được mức thu nhập bình quân khởi điểm từ 1.600 đến 2.000 USD/ tháng.
  • Được hỗ trợ chỗ ăn ở và những tiện nghi sinh hoạt miễn phí.
  • Thời gian làm việc đủ 2 năm thì có thể bảo lãnh bố mẹ, vợ, con sang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc.
  • Có thể về nước thăm gia đình trong thời gian hợp đồng.
  • Nếu thời gian làm việc đủ 2 năm trở lên thì có quyền đăng ký chuyển đổi sang visa F2. Và xa hơn là visa F5.

Như vậy có thể thấy, khi sở hữu visa E7 chúng ta được hưởng rất nhiều quyền lợi không phải ai cũng có được. Đặc biệt có thể kể đến là quyền lợi bảo lãnh người thân.